Tất tần tật những kiến thức về các loại da thật
Hiện nay các sản phẩm làm từ da thật được sử dụng một cách rộng rãi, nhưng để hiểu rõ về từng loại da khác nhau thì không phải ai cũng biết. Vậy nên tại sao có loại da thật đắt tiền, có loại cũng là da thật nhưng lại rẻ hơn nhiều. Hãy cùng Sổ Tay Da Bò tìm hiểu chi tiết về các loại da thật trong bài viết này nhé!
Phân biệt các loại da thật phổ biến hiện nay
Da thật được chia làm nhiều loại da khác nhau. Thông thường, để phân loại các loại da người ta thường phân loại theo nguồn gốc loại da và kết cấu da.
Theo nguồn gốc
1. Da Veg-tan
Da Veg-tan là tên viết tắt của Vegetable-tanned, hay còn gọi là da mộc, da thuộc thảo mộc. Ngay tên gọi đã làm ta liên tưởng đến nguồn gốc của quy trình thuộc này là thực vật. Quả vậy, da Veg-tan được thuộc bằng Tanin, một hợp chất polyfhenol làm se các bề mặt có trong cây và lá của nhiều loài thực vật. Vì hợp chất này được chiết xuất tự nhiên vì thế da Veg-tan rất thân thiện với môi trường.
Da Veg gần đây đang dần trở nên ưa chuộng trong các ngành hàng thời trang vì những ưu điểm vượt trội của nó so với những dòng da khác:
– Để làm được một tấm da veg hoàn chỉnh cần một thời gian dài và sự tỉ mỉ nên màu sắc và kết cấu của dòng da thuộc này tự nhiên, rất nhẹ. Mang đến tính thẩm mỹ độc đáo và độ bền cao hơn nhiều so với các vật liệu khác.
– Theo thời gian sử dụng, sản phẩm sẽ ngả màu tự nhiên theo một cách độc nhất và khó có sự trùng lặp. Cùng 1 sản phẩm, cùng một thời gian, người sử dụng khác nhau màu sắc của sản phẩm sẽ có sự chênh lệch.
– Vì sản phẩm được thuộc từ chất liệu tự nhiên nên sản phẩm có mùi thơm nhẹ nhàng đặc trưng của thảo mộc và an toàn với sức khỏe của người sử dụng.
Nhược điểm:
– Thời gian thuộc của da Veg cần một khoảng thời gian khá dài tầm 20-60 ngày, gấp khoảng 10 lần so với các loại da bình thường.
– Công thức pha dung dịch chất thực vật cũng phức tạp và cần người thợ thủ công có tay nghề cao.
2. Da Pull Up
Da Pull up là một trong những hàng da đắt đỏ bậc nhất vì nguyên liệu để làm những tấm da này phải là những phần tốt nhất được lựa chọn một cách kỹ càng và tỉ mẩn. Da Pull up không có lớp phủ ngoài nếu phủ lên một lớp ngoài thì da không còn tốt nữa. Vì không có lớp phủ ngoài này nên da thoáng khí và mềm mại có độ đàn hồi cực kỳ cao.
Da được nhuộm aniline trong quá trình thuộc da và có thêm một lớp xử lý trên cùng bằng dầu hoặc wax. Khi dùng tay nong từ mặt sau thì sẽ thấy màu sắc chỗ bị nong nhạt hơn những chỗ khác do đó cái tên pull up cũng là vì vậy.
>> Xem thêm: Da Pull Up là gì? Có bền không?
3. Da Shell Cordovan
Da Shell Cordovan ở Việt Nam được biết với cái tên “Da mông ngựa”, vì loại da này được lấy ở vị trí mông của con ngựa. Tuy nhiên, da không phải là da mặt mà là lớp phía dưới da mặt. Lớp da này có cấu trúc là các sợi collagen có nguồn gốc pha trộn giữa thịt và sụn. Được trích xuất từ đây nên bề mặt da Shell Cordovan cực kì mịn màng và hoàn toàn không có lỗ chân lông. Cấu trúc da này chỉ có trên ngựa, bò hoàn toàn không có. Từ mông con ngựa, lấy được 2 miếng da hình oval với kích thước tối đa tầm 0,3m2. Có thể nói, ngay từ nguyên liệu thì da Shell Cordovan đã rất đặc biệt rồi.
Mỗi miếng da Shell Cordovan sẽ trải qua quá trình thuộc và xử lý kéo dài từ 6 tháng, trong khi đó thuộc da bình thường chỉ mất 24 – 48 tiếng. Shell Cordovan được thuộc bằng thảo mộc với công thức đặc biệt truyền thống. Với thời gian thuộc dài, chất thuộc ngấm sâu trong da giúp da được thuộc hoàn toàn và xuyên suốt. Quá trình hoàn thiện da chủ yếu được làm bằng tay (cạo, nhuộm, chuốt bóng,..) cho ra đời loại da có chất màu sâu, bóng như gương, bề mặt cực kì mịn màng. Với chất liệu đặc biệt và quá trình thuộc rất lâu và phức tạp đem lại chất lượng tuyệt hảo nên da Shell Cordovan rất đắt tiền. Có thể nói Shell Cordovan là một trong những loại da trong top đắt đỏ nhất thế giới.
4. Da Pebble grain
Da Pebble grain hay còn được gọi là da scotch grain hoặc da hạt, được phát triển từ người Scotland cổ đại. Họ đã khiến cho da rút lại và tạo những hạt nổi sần trên da bằng quá trình tạo kiểu mẫu cho da với lúa mạch từ những thùng rượu lâu năm. Loại da này có thể chịu được thời tiết rất tốt, tốt hơn những loại da khác. Nó thích hợp với các kiểu giày ít formal như derby hay loafer.
5. Da CALFSKIN
Là loại da được làm từ da bê nên là loại da có đặc tính mềm, mỏng, mịn nhưng rất bền. Da calfskin có độ bóng cao hơn da bò bình thường và có độ bền rất cao nếu bảo dưỡng tốt.
6. Da Nubuck
Ít người biết da Nubuck là loại gì, hay thậm chí còn nhầm lẫn chúng với da lộn. Nhưng một khi đã biết đến Nubuck thì lại đâm nghiện, muốn ngắm mãi không thôi. Nubuck rất đẹp, một vẻ đẹp phong trần, bí ẩn. Nubuck là lớp trên cùng của tấm da được chà xát nhẹ bằng bàn chải nên có một lớp lông ngắn rất mịn và êm. Lớp trên cùng của tấm da có cấu trúc rất chắc chắn. Vì vậy, Nubuck có độ bền cao hơn hẳn da lộn (được làm từ lớp trong của tấm da). Mặt khác, do có lớp lông ngắn mịn, da Nubuck lại mềm hơn rất nhiều so với da thường. Có được tất cả những ưu điểm của da thường và da lộn.
7. Da Patent
Phương Tây biết đến patent leather khi nhà sáng chế người Mỹ Seth Boyden (1788-1870) tìm ra cách tối ưu hóa quy trình chế tác loại da này năm 1818 và đăng ký bản quyền sáng chế cho nó (vì thế mà loại da này có tên là patent leather).
Patent leather có bề mặt bóng láng đặc trưng nhờ vào một lớp dầu hạt lanh được phủ lên bề mặt da. Ngày nay, người ta sử dụng một chế phẩm dầu mỏ để thay cho dầu hạt lanh. Nhưng cũng chính vì bề mặt bóng láng này mà patent leather gây nhầm lẫn cho người sử dụng với các loại chất liệu giả da.
Tất nhiên, các chất liệu giả da không thể có độ mềm da xịn của patent leather. Da patent thường được dùng cho các loại giày cao cấp và thích hợp đóng bộ với tuxedo mặc trong các dịp trang trọng, tiệc tùng.
8. Da Suade
Da suade hay còn gọi là da lộn, lộn ở đây là lộn mặt trong ra ngoài. Tuy nhiên da lộn để làm sản phẩm thì đã tách đi một lớp bề mặt ngoài, tức là cả 2 mặt đều là mặt trong, và được xử lý để trông không quá thô sơ. Nhìn qua nó khá giống da Nubuck, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy không mịn được như Nubuck, và độ bền cũng thua kém nhiều, bởi nó là lớp da phía trong, cấu trúc sợi lỏng lẻo chứ không bền được như da lớp ngoài. Da lộn vốn rất dễ bị bẩn và dễ thấm nước, lại khó lau chùi, nhưng làm được nhiều kiểu sản phẩm rất đẹp mắt, và dễ may vá tạo kiểu hơn da Nubuck.
Theo kết cấu
1. Da Full Grain
Là loại da chưa được mài, đánh bóng, lót hoặc dập để loại bỏ những gì không hoàn hảo (những vết hằn tự nhiên) trên bề mặt của miếng da. Những hạt trên tấm da tạo một liên kết chắc chắn cho từng sợi nhỏ. Thay vì một lớp bảo vệ bọc thêm bên ngoài bề mặt da, Full grain sẽ tự phát triển cho mình một lớp bảo vệ cho da bóng mịn. Do full grain là loại da tốt nhất nên tỷ lệ tìm được mảnh da đẹp chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Chính vì vậy giá của những sản phẩm từ loại da này thường đắt nhất. Độ bền sản phẩm làm từ chất liệu này cũng cực kỳ cao. Khi được sử dụng thường xuyên sau một thời gian màu sắc của nó cũng sẽ lên màu đậm và sáng bóng hơn như da Veg-tan vậy.
2. Da Top Grain
Da Top grain là loại da giống với full grain được lấy từ lớp da dưới lớp lông của con vật. Tuy nhiên, nó được mài bề mặt để cho lớp da trở nên mỏng va mềm hơn để có thể phù hợp sử dụng cho hầu hết các loại ví và túi xách. Những khuyết điểm trên bề mặt da được đánh bóng và phủ thêm một lớp chống biến màu để có thể giữ lại màu sắc ban đầu trong suốt quá trình sử dụng. Da Top grain dễ lau chùi và vệ sinh hơn da Full grain tuy nhiên nó lại không có độ bên cao như full grain. Mặc dù nó dễ bị rạn nứt hơn da tự nhiên nhưng nó cũng là loại da tốt thứ 2 chỉ đứng sau full grain.
3. Da Split Grain
Da split là loại da được làm bằng phần xơ của phần da còn lại sau khi phần da được sử dụng làm da top-grain đã được tách ra. Trong suốt công đoạn tách phần top-grain và phần da split, phần da split có thể chia thêm (mỏng hơn) thành middle split và flesh split. Một miếng da rất dày như middle split có thể tách thành rất nhiều lớp cho đến khi quá mỏng không thể tách thêm được nữa. Da split sau đó sẽ được phủ một lớp nhân tạo lên bề mặt và được dập nổi bằng hạt da (da bycast). Da split còn được sử dụng để làm da lộn. Những tấm da lộn chắc nhất thường được làm từ da split đã được loại bỏ hạt hoặc từ da flesh spilt(da đã được cạo đến một độ dày chuẩn). Da lộn thường được làm sần sùi cả 2 mặt. Ngày nay, nhà sản xuất sẽ sử dụng những kỹ thuật khác nhau để làm da lộn từ da full-grain để tăng chất lượng sản phẩm. Tùy mục đích sử dụng người ta cũng có thể lật ngược tấm da lộn để làm các sản phẩm khác nhau (mặt thấy được thì không có hạt sần sùi). Tuy nhiên đây không được coi là dạng chuẩn của da lộn.
Với những thông tin trên Sotaydabo.com hy vọng bạn sẽ tìm được tấm da thuộc hoặc sản phẩm được làm từ da thật ưng ý. Hoặc bạn có thể đến địa chỉ bán da thật uy tín của chúng tôi để mua những sản phẩm da thật chất lượng nhất
Có thể bạn quan tâm: